Bộ trưởng Bộ Y tế lên tiếng về vụ "nhân bản" xét nghiệm
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức đã gây "chấn động" xã hội trong thời gian vừa qua.
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức đã gây "chấn động" xã hội trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn nhìn nhận: "Đây là những sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngành y tế" tại hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và kế hoạch năm 2014.
Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận: “Công tác thanh kiểm tra bệnh viện còn yếu nên để vụ việc sai phạm của bệnh viện Đa khoa Hoài Đức diễn ra lâu như vậy”. Bà Tiến cho rằng, để xảy ra sai sót trong suốt cả một thời gian dài như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Trưởng phòng xét nghiệm và Giám đốc bệnh viện.
Theo bà Tiến, quy trình lấy mẫu và tiêu chuẩn phòng xét nghiệm đã có hết, nơi nào không làm như thế là không được và Giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa xét nghiệm phải chịu trách nhiệm. “Cả một khoảng thời gian dài thu tiền như thế, để phiếu xét nghiệm như thế mà không ai biết thì chúng ta cũng phải nói đến trách nhiệm trực tiếp, rõ ràng của trưởng khoa, Giám đốc bệnh viện, kể cả công tác thanh-kiểm tra cũng yếu kém” - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Về vấn đề này, PGS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: "Đây là sự việc rất đáng tiếc và là điều mà chúng tôi không thể ngờ là lại có thể xảy ra như thế".
Theo ông Tuấn có một thách thức rất lớn đối với ngành y tế đó là nhu cầu chăm sóc sức khỏe và cái yêu cầu đòi hỏi của xã hội ngày một cao, trong khi đó điều kiện và nguồn lực cũng như khả năng của ngành y tế còn có hạn. Mặc dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong những năm qua, tuy nhiên vẫn còn có những vấn đề không may, rất đáng tiếc xảy ra và đó là những trường hợp hết sức đau lòng đối với ngành y tế. Thời gian vừa qua, ngành y tế cũng có một hạn chế rất lớn. Đó là việc cung cấp thông tin tới các cơ quan truyền thông chưa kịp thời. Do vậy, chưa tranh thủ được sự đồng thuận và sự cảm thông của xã hội.
Bà Tiến cũng đánh giá, hiện nay lực lượng thanh tra giám sát cũng rất mỏng. Mỗi Sở Y tế chỉ có 5-7 thanh tra, có tỉnh chỉ có 3 thanh tra, trong khi công việc cần thanh tra lại rất nhiều như y, dược, hành nghề tư nhân nên không thể bao quát hết được. Ngoài ra, thanh tra xử lý vi phạm chỉ được một thời gian, cơ sở lại tái phạm, là bài toán rất khó xử lý.
Sử lý nghiêm những sai phạm
Trong thời gian vừa qua, công tác kiểm tra cho thấy có một số đơn vị và địa phương chưa quan tâm đầy đủ tới công tác này. Với những trường hợp như vậy, thái độ của ngành y tế là hết sức kiên quyết trước những sai phạm cần phải xử lý nghiêm, nhưng đồng thời cũng khuyến khích một số nơi đã có nhiều hành động tích cực trong công tác đảm bảo sức khỏe của nhân dân.
Để tăng cường công tác giám sát, vừa qua, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ban hành văn bản đề nghị các Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế cũng như các sở ban ngành tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra giám sát để những chủ trương chính sách được thực hiện tốt hơn, trong đó có cả vấn đề xã hội hóa.
Trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ quan tâm hơn nữa tới vấn đề này và đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.
Theo Vnmedia