Cảm và cúm
Cảm và cúm là những bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do có triệu chứng gần giống nhau trên đường hô hấp trên và dưới nên người ta thường ghép cảm và cúm thành một bệnh chung là cảm cúm. Thực sự cảm và cúm là hai bệnh khác nhau do những chủng virút khác nhau.
Cảm và cúm là những bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp xảy ra ở mọi lứa tuổi. Do có triệu chứng gần giống nhau trên đường hô hấp trên và dưới nên người ta thường ghép cảm và cúm thành một bệnh chung là cảm cúm. Thực sự cảm và cúm là hai bệnh khác nhau do những chủng virút khác nhau.
Cảm do các virút hô hấp thông thường như: Rhinovirus, Coronavirus, Enterovirus, Metapneumovirus…. Hơn 200 loại virút khác nhau gây bệnh cảm: 30 - 35% do Rhinoviruses , 10 - 15% do adenoviruses, coxsackie - viruses, echoviruses, orthomyxoviruses, paramyxoviruses, respiratory syncytial virus và enteroviruses và 30 - 50% không xác định được virút.
Cúm do virút Influenzae gây nên.
Triệu chứng cảm và cúm có khác nhau không?
Bệnh cảm do các virút hô hấp khác nhau gây nên (Rhinovirus, Parainfluenza virus, Coronavirus…), thường khu trú ở đường hô hấp trên, bệnh tự giới hạn trong vài ngày. Triệu chứng chủ yếu là hắt hơi, sổ mũi hay nghẹt mũi, đau họng, nhức mỏi và ho khan hay đàm nhầy trong, suy nhược nhẹ và hiếm khi có biến chứng ngoại trừ xảy ra trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT), đái tháo đường, hen phế quản.
Ngược với cảm, cúm do virút Influenzae gây ra có triệu chứng nặng nề hơn nhiều so với cảm như sốt cao, nhức đầu nặng, suy kiệt, đau nhức cơ thể nặng nề (xem bảng). Bệnh có khi diễn tiến nặng như viêm phổi suy hô hấp cấp gây tử vong trong thời gian ngắn nhất là các chủng virút cúm A H5N1, H7N9 hiện nay.
Khi nào bạn bị cảm cần đi khám bệnh?
Bệnh cảm thường tự giới hạn trong vòng 5 - 7 ngày và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, lứa tuổi trẻ em và người già, người có bệnh mạn tính đi kèm như hen, BPTNMT, tim mạch... có thể xảy ra biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn hay kích phát các bệnh mạn tính như lên cơn hen phế quản, đợt cấp BPTNMT, suy tim, nếu sốt cao, ho hay chảy mũi đục, khó thở hay triệu chứng hô hấp kéo dài nên đi khám bệnh để có chẩn đoán và điều trị hợp lý.
Điều trị bệnh cảm như thế nào?
Điều trị triệu chứng, nâng tổng trạng và điều trị biến chứng nếu có.
Điều trị triệu chứng: giảm đau nhức, giảm nghẹt và sổ mũi: paracetamol, phenylephedrine, caffeine; chỉ kết hợp antihistamin khi cần thiết.
Sản phẩm phối hợp của 3 chất paracetamol, phenylephedrine và caffeine giúp giảm đau nhức, giảm nghẹt mũi sổ mũi và caffeine giúp bệnh nhân tỉnh táo hơn và tăng tác dụng giảm đau của paracetamol lên 37%. Nếu cần phối hợp thêm kháng sinh, kháng viêm, hay kháng histamine cũng giúp làm giảm tổng số viên thuốc không quá nhiều trong một lần uống.
Nâng tổng trạng: nghỉ ngơi, cung cấp vitamine (qua trái cây, thức ăn, viên vitamine).
Điều trị biến chứng: kháng sinh, kháng viêm… phụ thuộc vào biến chứng trên bệnh nhân dưới sự theo dõi và tư vấn của thầy thuốc.
Cúm nguy hiểm như thế nào cho sức khỏe?
Khác với cảm, cúm là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virút cúm mùa (H1N1, H3N2) hay cúm gia cầm (H5N1, H7N9).
Cúm mùa gây bệnh cảnh nặng nề hơn cúm rất nhiều, bệnh nhân bị sốt cao, nhức đầu và đau cơ nhiều, suy kiệt nặng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe kéo dài nhiều ngày - nhiều tuần và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng thậm chí tử vong trên cơ địa đặc biệt hay có bệnh kèm theo.
Theo ước tính của WHO, mỗi năm có 3 - 5 triệu người mắc cúm nặng trong đó có 250.000 - 500.000 người tử vong trên toàn thế giới.
Những yếu thuận lợi nào cho cảm cúm phát bệnh?
Mỗi năm, khoảng 10% dân số thế giới mắc cúm với 600 triệu người. Do tính chất dễ biến đổi nên mỗi năm virút cúm xuất hiện những chủng mới và thoát khỏi hệ thống miễn dịch của cơ thể nên đôi khi xuất hiện những dịch cúm với rất nhiều người bị mắc và tử vong .
Những yếu tố thuận lợi lây nhiễm bao gồm:
- Thời tiết ẩm ướt hoặc lạnh lẽo.
- Sống quanh quẩn trong nhà.
- Đến những nơi đông đúc.
- Gia tăng di chuyển giữa các quốc gia.
Những đối tượng bệnh nhân nào bị ảnh hưởng nặng do cúm?
Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao bệnh diễn tiến nặng thậm chí nguy hiểm tính mạng:
- Người già (> 60 tuổi), đặc biệt sống tập thể.
- Tất cả trẻ em và thiếu niên (6 tháng - 18 tuổi).
- Phụ nữ có thai.
- Bệnh nhân có bệnh hô hấp mạn tính (hen phế quản, COPD), bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, suy tim, suy thận mạn tính.
Những đối tượng nào được khuyến cáo tiêm ngừa cúm hằng năm?
Quyết định 2078/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 23/6/2011 khuyến cáo tiêm phòng cúm như sau:
- Nên tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm.
- Các nhóm nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng:
Nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…); người trên 65 tuổi.
Chủng ngừa cúm mang lại lợi ích cụ thể nào?
Bệnh cúm gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho sức khỏe, nguy hiểm tính mạng. Do đó cần tiêm ngừa cúm hằng năm, đặc biệt những đối tượng nguy cơ cao. Qua các nghiên cứu được công bố, tiêm ngừa cúm có hiệu quả rất tốt trên tất cả các đối tượng:
- Trẻ em: giảm 84,8% triệu chứng cúm, giảm 41% nhiễm khuẩn hô hấp.
- Người lớn: giảm 73,16% nguy cơ mắc cúm, giảm 78% số ngày nghỉ việc.
- Người già: giảm 57% nguy cơ nhập viện, 67% nguy cơ tử vong.
- Bệnh nhân tim mạch: giảm 67% nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát, giảm 54% nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh nhân hen và bệnh phổi mạn tính: giảm 22 - 41% cơn hen hay 76% các đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.
- Bệnh nhân đái tháo đường: giảm 75% nhập viện và 25 - 57% nguy cơ tử vong.
Có thuốc tiêm ngừa cảm không?
Vì cảm là bệnh nhẹ, tự giới hạn, ít biến chứng nhưng lại do nhiều chủng virút khác nhau và luôn biến đổi nên không hiệu quả khi tiêm ngừa.
Kiểm soát hiệu quả các triệu chứng thường xuyên của cảm:
- Công thức phối hợp của paracetamol - phenylephedrine - caffein: tạo sự tiện ích cho người bệnh khi chỉ cần uống 1 viên, thay vì nhiều viên thuốc với rất nhiều loại tá dược vào cơ thể; đồng thời giúp khắc phục các triệu chứng chính là đau đầu - nhức mỏi toàn thân, sổ mũi và nghẹt mũi, lại giúp tăng cường tỉnh táo để có thể làm việc hiệu quả.
- Trừ một số ít người nhạy cảm với caffeine, đây là một hoạt chất tạo nhiều tác dụng tích cực để khắc phục trạng thái ngầy ngật khi bị cảm, đặc biệt đối với người làm việc văn phòng - người lái xe - người vận hành máy móc.
- Những người bệnh có tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, hoặc đang có một bệnh lý khác… khi bệnh cảm nên dùng viên paracetamol đơn chất giúp giảm nhức đầu - mỏi toàn thân, và cần được bác sĩ khám tư vấn trước khi dùng thêm các loại hoạt chất khác một cách hiệu quả và an toàn.
- Phòng ngừa bằng cách tăng cường sức khỏe thường xuyên như: tập thể dục thể thao mỗi ngày, nghỉ ngơi sinh hoạt điều độ, ăn uống bổ dưỡng, nhiều vitamine, rửa tay sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.
Khác nhau giữa bệnh Cúm và cảm lạnh
Triệu chứng | Cúm | Cảm lạnh |
Sốt | Thường cao, kéo dài 3 – 4 ngày | Không thường xuyên |
Nhức đầu | Có | Không thường xuyên |
Suy nhược | Có thể kéo dài đến 2-3 tuần | Nhẹ |
Đau nhức | thường gặp, & nặng | Nhẹ |
Kiệt sức | Sớm, đôi khi rất nặng | Không bao giờ |
Nghẹt mũi | Đôi khi | Thường gặp |
Đau họng | Đôi khi | Thường gặp |
Ho | Có | Không thường xuyên |
Khó chịu ở ngực | Thường gặp đôi khi rất nặng | Nhẹ đến trung bình |
Biến chứng | Viêm phế quản, viêm phổi: nguy cơ tử vong nếu bị nặng | Viêm xoang |
Theo SKDS