Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Chiến thắng nỗi đau

Nói đến lương y nổi tiếng, người ta thường có một hình dung về một người cao niên, vậy nhưng lương y Trần Quang Dũng lại là một 8X chính hiệu. Ngoài phòng khám tại trung tâm thị trấn Ðồng Văn, nơi hàng ngày anh tiếp đón, chữa bệnh cho  người bệnh thập phương, Trần Quang Dũng còn là Giám đốc Công ty TNHH Quang Dũng chuyên ngành xây dựng tại Khu công nghiệp Ðồng Văn với gần 100 công nhân viên chủ yếu xuất thân từ người nghèo và người tàn tật. Ðiều đặc biệt là ông lang kiêm giám đốc này cũng là một người khuyết tật. Liệt hai chân từ nhỏ nhưng Dũng không những đã chiến thắng nỗi đau của chính mình mà anh còn giúp đỡ bao người khác chiến thắng nỗi đau bệnh tật nhờ những thang thuốc hay và tấm lòng nhân hậu của mình.

Đó là phần thưởng cao quý của Trung ương Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam giành cho lương y tuổi 8X Trần Quang Dũng - một người tàn tật phải ngồi trên xe lăn để “lăn xả” cứu chữa những người tàn tật giống mình và còn lành lặn hơn mình.

Vượt qua hoàn cảnh bệnh tật, Dũng tự mình làm hết các công việc của phòng mạch.

“Mặc cảm sẽ tự huỷ hoại mình”

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng chúng tôi cũng đã gặp được anh. Tiếp chúng tôi trong căn phòng chật kín dược liệu, chủ nhân là một chàng thanh niên có khuôn mặt khá điển trai, thư sinh, ấy vậy mà anh đã là một lương y có tiếng trong vùng. Tôi càng cảm phục hơn khi biết anh tật nguyền, mỗi xăng-ti-mét anh di chuyển đều phải phụ thuộc vào chiếc xe lăn.

Sinh năm 1982 trong một gia đình có 2 anh em, Dũng là con út. Bố mẹ Dũng đều là công chức làm việc tại Khu điều dưỡng thương binh Yên Nam (Duy Tiên, Hà Nam). Khi cất tiếng khóc chào đời, anh cũng lành lặn, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác, đến lúc gần 2 tuổi, trong một trận ốm thập tử nhất sinh, đôi chân của Dũng có hiện tượng tê mỏi, chỉ mấy tháng sau, các cơ dần dần biến dạng. Thấy con vật vã trong đau đớn, bố mẹ Dũng dốc toàn bộ những tài sản quý giá nhất của gia đình để tìm thầy thuốc chữa trị nhưng bệnh không thấy thuyên giảm mà đôi chân cứ teo tóp như tàu chuối khô. Ông nội và bác ruột của Dũng là lương y nổi tiếng đã thử nghiệm nhiều loại thuốc để điều trị nhưng mọi cố gắng cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, vô phương cứu chữa.

Lớn lên, phải mang trong mình trọng bệnh, suốt ngày không rời khỏi chiếc chõng tre dù chỉ là nửa bước. Dũng thường xuyên bị bạn bè trêu trọc là “dị nhân”, thậm chí nhiều người ác ý rủa “sống như vậy chẳng bằng chết quách đi cho xong”. “Thời gian đó, lúc nào tôi cũng nghĩ đến cái chết, nhưng nhìn thấy bố mẹ chạy vạy lo tiền bạc cố gắng cứu chữa, tôi lại thương bố mẹ vô cùng, lúc như vậy tôi chợt nghĩ mình nên làm một việc gì đó để giúp đỡ bố mẹ bớt đi gánh nặng”, Dũng tâm sự.

Dũng tâm niệm, nghề bốc thuốc cứu người là hạnh phúc của đời mình.

Tuổi thơ của Dũng không giống như những đứa trẻ khác, không được đến trường. Dũng lớn lên trong vòng tay đùm bọc của các cô chú ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Yên Nam. Mỗi lần gặp tụi bạn đi học về, Dũng lại nhìn qua khe cửa ngậm ngùi trong nước mắt.

Năm đó, bố mẹ Dũng chuyển từ trung tâm điều dưỡng ra thị trấn ở, thời gian này anh luôn mang trong mình tâm trạng mặc cảm vì mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào cha mẹ. Thương cháu, ông ngoại tặng cho Dũng chiếc radio để làm bầu bạn. Thật tình cờ khi Dũng được nghe chương trình “Vượt lên số phận” phát trên hệ VOV2 của Đài Tiếng nói Việt Nam về những tấm gương điển hình khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống, đặc biệt là tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký. Như được tiêm liều thuốc kích thích, Dũng quyết định xin bố mẹ đến trường. Vượt qua những ánh mắt, dị nghị ác ý, Dũng đến lớp với một quyết tâm cao. Nhưng thật trớ trêu, học chưa được một tuần, Dũng lại phải quay lại giường bệnh vì đôi chân lên cơn đau dữ dội.

Bạo bệnh buộc Dũng quay về sống với ông ngoại. Bệnh nhân của ông đa số là người nghèo, người tàn tật không nơi nương tựa và chính họ đã đánh thức lòng trắc ẩn của Dũng. “Tại sao mình không làm việc gì đó để giúp mình và những người đồng cảnh ngộ”. Trăn trở của Dũng đã được ông ngoại giúp cho câu trả lời.

Công việc đầu tiên bắt đầu từ cắt và phân loại thuốc theo đơn. Hằng ngày, tranh thủ lúc nghỉ ngơi, Dũng thường đọc và nghiền ngẫm đống sách Đông y và Tây y của ông để nâng cao kiến thức. “Tiếp xúc nhiều với người bệnh, Dũng thấy mình lớn lên rất nhiều. Nếu ai đã sống trong 4 bức tường tăm tối, mặc cảm đè nén mới có thể hiểu được, chiêm nghiệm được “mặc cảm sẽ tự huỷ hoại mình”, Dũng kể lại với giọng rắn rỏi.

Cứu giúp người... như sự tri ân

Sau khi trải qua “khoá huấn luyện” ở nhà ông ngoại, tuy việc đi lại phụ thuộc vào xe lăn nhưng tính vốn không thích trông chờ phụ thuộc vào người khác, anh quyết định rời nhà ông ngoại về nhà mình mở phòng khám Đông y với mong muốn góp sức cứu chữa cho những người có hoàn cảnh éo le. Nhưng chính anh là người đã gặp éo le trước.

Bằng khen của UBTƯ Hội LHTN Việt Nam tặng Trần Quang Dũng.

 Dũng còn nhớ: “Cách đây 6 năm, có một bệnh nhân trẻ tuổi mắc chứng thần kinh trầm cảm được người quen giới thiệu đến. Mới hỏi thăm vài câu, anh ta thẳng miệng nói “Ông què quặt thế kia chữa cho mình không xong còn bày đặt chữa cho người khác”. Bị xúc phạm, phải lặng một hồi sau Dũng mới nhìn lại bệnh nhân và nhận ra những triệu chứng bệnh mà anh thanh  niên đang mang rồi mời họ ra về. Một tuần sau, chả hiểu sao họ mang rất nhiều quà đến biếu và năn nỉ: “Xin thần y mở lòng từ bi chữa trị cho tôi”. Biện lý do phải đi khám bệnh gấp, Dũng bảo họ mang quà về và hẹn người nhà hôm sau chỉ đưa người bệnh đến khám. Ca bệnh đặc biệt này chỉ 1 tháng sau đã hoàn toàn khỏi bệnh.

Tiếng lành đồn xa, Dũng đã “bị ăn đòn” vì tiếng lành ấy. Năm 2001 - 2003, phòng khám Trần Quang Dũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi số lượng người đến khám quá đông trong lúc chỉ một mình anh khám chữa bệnh và kiêm luôn thợ cắt thuốc.

Thương cảm và khâm phục trước nghị lực phi thường của Dũng, đầu năm 2003, vượt qua mọi sự ngăn cản của gia đình, chị Lê Thị Mai Duyên đã đem lòng yêu mến, kết quả của một tình yêu đẹp là một đám cưới đã diễn ra trong cảnh buồn vui lẫn lộn của gia đình đôi bên. Và chị, ngoài làm vợ còn là một người giúp việc tin cậy của anh.

Cùng chồng vượt qua giai đoạn khó khăn, không oán thán nửa lời, chị Duyên tâm sự: “Chúng tôi đến với nhau bởi tình yêu chân thành, muốn cùng chồng giúp phòng khám vượt qua giai đoạn khó khăn, anh ấy coi phòng khám như là “tình nhân” của mình vậy, nhiều đêm quên ăn mất ngủ chỉ vì lo phòng khám phải đóng cửa. Những lúc như vậy, tôi chỉ ôm chầm lấy chồng mà  khóc”.

Thời phòng khám “bội thực” bệnh nhân, anh chợt nảy ra ý tưởng thành lập một công ty để vừa giúp phòng khám qua khó khăn vừa tạo công ăn việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn

Dũng tâm niệm: “Mọi việc làm đều hướng tới giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh đặc biệt là những hoàn cảnh như tôi. Riêng với nghề bốc thuốc càng phải thận trọng hơn. Dù bất cứ ở cương vị nào, là giám đốc hay chủ tịch, với tôi nghề khám, bốc thuốc chữa bệnh cứu người chính là niềm vui, hạnh phúc của đời tôi”.

Chính lương y Trần Quang Dũng là người tổ chức xây dựng đề án thành lập Hội người khuyết tật tỉnh Hà Nam vào năm 2006, là một trong những Hội người khuyết tật cấp tỉnh đầu tiên trên cả nước. Tháng 12/2006, anh đã đoạt giải thưởng “Alaxan - Chiến thắng nỗi đau” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tổ chức. Cũng trong thời gian đó, anh vinh dự được bầu vào BCH Hội và trở thành chủ tịch Hội khuyết tật tỉnh Hà Nam.

 Ngoài phòng khám ở trung tâm thị trấn Ðồng Văn (Duy Tiên – Hà Nam), Dũng còn là Giám đốc Công ty TNHH Quang Dũng chuyên ngành xây dựng tại khu công nghiệp Ðồng Văn với gần 100 công nhân viên chủ yếu xuất thân từ người nghèo và người tàn tật giống mình.

Cùng với hội, anh đã thành lập được 3 tổ chức cấp huyện, thành phố trong tỉnh, hiện hội thu hút trên 300 người hoạt động.

Tiếp đó, tháng 10 vừa qua, tại đền Đô (Bắc Ninh), Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đã trao tặng danh hiệu “Thanh niên vượt khó - Lập thân lập nghiệp” cho 100 thanh niên, trong đó Dũng là người duy nhất bị khuyết tật hai chân phải ngồi trên xe lăn nhận giải. 

Nhìn tổ ấm của Dũng hiện nay ít ai có thể biết được rằng để có được hạnh phúc ấy anh đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn. “Đứng” trên đôi chân khuyết tật với nghị lực phi thường, anh đã đem lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người cùng cảnh.

Chia tay Dũng khi trời đã nhá nhem, đúng lúc tôi ra về thì lương y Dũng nhận được cuộc điện thoại của người bệnh từ thị trấn Quế, huyện Kim bảng (Hà Nam). Cơn đói trong anh biến mất, lập tức xoay bánh xe lăn nhanh tay cầm túi đồ nghề, lên chiếc xe máy đặc biệt dành cho người khuyết tật phóng đi trong màn đêm đang buông.

Có thể ví chàng lương y tuổi 8X Trần Quang Dũng như một cây xương rồng xù xì trên sa mạc đã nở hoa. Anh đã bước qua ranh giới của khổ đau, nước mắt và mặc cảm để chiến thắng định mệnh. Ở cái tuổi 28, mang trên mình trọng bệnh nhưng hằng ngày anh vẫn âm thầm đóng góp cho xã hội như một sự tri ân.

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay