Chủ động huy động nguồn lực phòng ngừa dịch cúm A/H7N9
PV: Thưa ông, để thực hiện Kế hoạch chủ động ứng phó dịch cúm A/H7N9 với 4 tình huống dịch như Bộ Y tế đã xây dựng, ngành y tế phải huy động nguồn lực như thế nào?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Để chủ động ứng phó dịch cúm A/H7N9, lãnh đạo Bộ Y tế đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch một cách cụ thể để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn kinh phí trong nước để tránh sự chồng chéo. Do điều kiện kinh tế nước ta còn đang gặp nhiều khó khăn, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương phải bám sát tình hình thực tiễn, thực hiện hết sức hiệu quả và lồng ghép công tác phòng chống dịch với các hoạt động chung của ngành y tế, sử dụng những nguồn kinh phí phòng chống dịch đã được phân bổ từ đầu năm mà chưa đề xuất Chính phủ cấp bổ sung trong thời điểm hiện nay.
Thực tế, trong thời gian qua, ngành y tế đã sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị phòng chống dịch. Trong tháng 4 vừa qua, máy đo thân nhiệt từ xa của các cửa khẩu quốc tế đã giám sát 267.842 lượt khách nhập cảnh, trong đó có 90.654 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc; đã xét nghiệm hàng ngàn mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi cúm, mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp tính để sàng lọc nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại nước ta.
Để xác định và đưa ra những đề xuất sát với thực tế, trong những ngày qua, Cục Y tế dự phòng đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) thiết lập các nhóm công tác gồm giám sát, truyền thông, xét nghiệm và nhóm đáp ứng tình trạng khẩn cấp để phối hợp làm việc với các tiểu ban của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người, các đơn vị y tế để đưa ra những đề xuất nhu cầu. Theo đánh giá của các nhóm công tác, các đề xuất của Cục Y tế dự phòng trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng được những yêu cầu cơ bản nhất trong tình huống dịch bùng phát và lan rộng tại Việt Nam; nhu cầu đầu tư đưa ra theo 4 tình huống chỉ là cơ sở để dự đoán và tính toán cho việc chuẩn bị huy động các nguồn lực. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tư cho tình huống 2, 3, 4 (phát hiện ca bệnh tại Việt Nam và bệnh lây từ người sang người) mới chỉ là giả định và chưa đòi hỏi đầu tư ngay.
Còn trong trường hợp virut cúm A/H7N9 lây truyền dễ dàng từ người sang người, thì khả năng xảy ra tình huống 3, 4 là rất lớn. Căn cứ vào các đại dịch cúm đã xảy ra trong lịch sử, theo ước tính của các nhà khoa học thì số mắc có thể lên tới 10% dân số và như vậy thử tưởng tượng ở Việt Nam, với số mắc khoảng 8 - 9 triệu người thì lúc đó toàn bộ hệ thống y tế sẽ bị quá tải, các hoạt động giao lưu thương mại, xã hội có thể bị ngừng trệ, gây xáo trộn cuộc sống của người dân, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của quốc gia.
PV: Vậy ông có thể cung cấp một số kinh nghiệm về đầu tư cho công tác phòng chống dịch của các nước như thế nào?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Về đáp ứng cho dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, theo thông tin ngày 1/5/2013, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phê duyệt khoản kinh phí 303 triệu nhân dân tệ (tương đương 48,6 triệu USD) cho việc phòng chống dịch cúm A/H7N9 trong giai đoạn hiện nay, mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có bằng chứng về sự lây truyền dễ dàng từ người sang người, số trường hợp mắc cũng chưa thật là cao.
Về huy động nguồn lực, Trung Quốc cũng phải tính toán đến huy động từ nhiều nguồn khác nhau, ví dụ Chính quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã thành lập quỹ giúp đỡ các bệnh nhân cúm A/H7N9 không có khả năng chi trả cho việc điều trị mặc dù tỉnh này chưa có ca mắc. Tổng kinh phí ước tính khoảng 4,83 triệu USD.
Chúng ta cũng phải nhận thấy rằng, từ kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh mới nổi, việc dự đoán chính xác mức độ và diễn biến tình hình dịch là rất khó, nhưng tất cả các nước đều phải có kế hoạch dự phòng để có thể ứng phó kịp thời cho mọi tình huống nếu xảy ra.
PV: Ông có khuyến nghị gì với các địa phương về việc đầu tư và sử dụng kinh phí phòng chống dịch hiệu quả và tránh lãng phí?
PGS.TS. Trần Đắc Phu: Tôi vẫn muốn nhắc lại các địa phương, các đơn vị trong ngành y tế phải thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí và sử dụng nguồn lực một cách thật hiệu quả theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế. Đối với đơn vị y tế tại các khu vực và địa phương, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo áp dụng 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, con người tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ. Bộ Y tế chỉ trình Chính phủ cấp bổ sung hỗ trợ khi tình hình dịch vượt quá khả năng dự trữ sẵn có của các địa phương, dịch diễn biến nguy hiểm và kéo dài. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể để trình UBND tỉnh phê duyệt phục vụ cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo SKĐS