Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Thai nhi 30 tuần tuổi

Đầu của bé ngày càng lớn hơn, sự phát triển của não bộ rất nhanh vào thời điểm này. Gần như tất cả thai nhi đều phản ứng với âm thanh ở tuần thứ 30 này.

Sự phát triển của bé

  • Tuần này bé yêu đã nặng khoảng 1,3 kg và dài khoảng gần 40 cm. Đầu của bé ngày càng lớn hơn, sự phát triển của não bộ rất nhanh vào thời điểm này. Gần như tất cả thai nhi đều phản ứng với âm thanh ở tuần thứ 30 này.

  • Não bộ của bé đang “lớn” rất nhanh và kích thước vòng đầu lúc này cũng tăng trưởng không ngừng để đáp ứng.

  • Để chuẩn bị cho việc hô hấp sau này, bé sẽ bắt chước các động tác thở bằng cách liên tục chuyển động cơ hoành của mình. Các chuyển động này rất nhịp nhàng nhưng đôi khi bé bị nấc cụt vì hít phải nước ối.

  • Nếu là một bé trai, tinh hoàn lúc này đã di chuyển từ gần thận về tới háng. Nếu là một bé gái, âm vật đã “chồi” lên bởi vì 2 môi âm vật chưa đủ lớn để bao phủ. Quá trình này sẽ được hoàn tất một vài tuần trước khi sinh

Thai nhi tuần thứ 30: Bé yêu đã nặng khoảng 1,3 kg và dài khoảng gần 40 cm.  - Ảnh: Babycenter / Mevabe

Sự thay đổi của mẹ

  • Dưỡng thai đang ở giai đoạn đỉnh cao. Người mẹ cần rất nhiều protein, vitamin C, axit folic, sắt, và canxi (khoảng 200mg cho sự phát triển khung xương của thai nhi) vì vậy cần ăn nhiều các thực phẩm giàu các dưỡng chất này.

  • Khung xương này sẽ ngày càng trở nên “cứng cáp” hơn; não bộ, các múi cơ và phổi tiếp tục hoàn thiện. Vì thế người mẹ cần chú ý đảm bảo các khoáng chất và vitamin để thai nhi phát triển tối ưu.

  • Do cảm giác thèm ăn tăng lên nhằm đáp ứng nhu cầu tối đa của thai nhi, vì thế hãy cố gắng hạn chế, đừng ăn nhiều loại bánh kẹo và các loại thức ăn nhanh, cố gắng tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn thai nghén.

  • Luôn đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất sắt, giúp tạo hồng cầu máu cho hệ huyết mạch ở thai nhi. Uống viên sắt bổ sung có thể gây táo bón vì thế một trong những cách bổ sung sắt hiệu quả là ăn nhiều các thực phẩm như thịt nạc, rau lá xanh, ngũ cốc bổ sung sắt cùng với các thực phẩm giàu chất xơ.

  • Nếu bạn chưa từng tập luyện gì trong suốt các tháng trước đó thì đây là thời điểm tốt để bạn tập luyện các bài tập thư giãn, làm mềm cơ, hỗ trợ cho quá trình chuyển dạ sắp tới. Tại sao bạn không thử tham dự lớp yoga đặc biệt dành cho bà bầu? Nó không chỉ giúp bạn luyện thở mà còn giúp làm mềm các cơ, hỗ trợ rất tốt cho quá trình chuyển dạ. Ngoài ra, nó giúp bạn tránh bị căng cơ, chuột rút trong 3 tháng cuối thai kỳ.

  • Bạn cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Có thể bạn thường bị mất ngủ về đêm, vì vậy bạn nên tận dụng những giờ nghỉ trưa. Và tư thế nằm nghiêng, đặc biệt nghiêng về bên trái thích hợp nhất cho bạn (không tạo áp lực cho tim).

  • Bạn có thể cảm thấy bị đau ở lồng ngực do tử cung ép lên các cơ quan phía trên, hoặc bạn thấy mệt mỏi vì vấn đề chuột rút… Lời khuyên cho bạn là bổ sung canxi đầy đủ để tránh hiện tượng chuột rút cũng như hiện tượng đau nhức chân tay.

  • Bạn sẽ thấy xuất hiện rất nhiều dịch âm đạo có màu ngà vàng, nhiều hơn so với bình thường. Bạn nên chuẩn bị tinh thần bởi vì trong suốt 3 tháng cuối này, dịch âm đạo sẽ tiết ra rất nhiều. Sử dụng băng vệ sinh hàng ngày đồng thời rửa âm đạo thường xuyên (chỉ cần rửa bằng nước) và mặc quần có chất liệu khô thoáng.

Lời khuyên hữu ích

Thời điểm chăm con mọn đã gần kề, hãy tranh thủ nghỉ ngơi, tận hưởng những giây phút này nhé. Hãy đi xem phim, một bữa ăn lãng mạn bên người yêu thương…

Chia sẻ cộng đồng

Nếu bạn có kế hoạch đi làm sau khi sinh bé thì lúc này sẽ có rất nhiều thứ khiến bạn phải bận tâm. Hãy chia sẻ với những bà mẹ đã từng trải qua giai đoạn này để có định hướng cho mình.

Những việc cần lưu tâm

  • Herpes - Những nguy cơ có thể gặp nếu bị nhiễm bệnh vào giai đoạn cuối thai kỳ?

  • Hội chứng ống cổ tay là gì?

Những lo lắng thường gặp

Gia đình tôi không muốn tôi mua sắm và trang trí phòng bé trước khi bé chào đời - Họ cho rằng làm như vậy là một điềm gở. Tôi thì không muốn làm mọi việc vào phút chót. Vậy tôi phải làm gì?

  • Quan niệm của gia đình bạn xuất phát từ một niềm tin cổ xưa rằng việc mua sắm chuẩn bị trước là điểm báo người mẹ mong mỏi nhìn thấy đứa con ngay. Tuy nhiên, ngày nay mọi sự đã khác, quan niệm đó được xếp vào diện “mê tính dị đoan”.

  • Nhưng trong trường hợp gia đình bạn nhất quyết phản đối thì hãy lên danh sách và “ngắm” cửa hàng sẽ mua đồ cho bé. Sau đó hãy chọn một người sẽ chịu trách nhiệm mua sắm mọi thứ bạn đã giao phó.

  • Không thể nói bụng bầu nhỏ thì thai nhi sẽ không khỏe mạnh bằng bụng bầu to, vì thế nếu thấy bụng mình quá nhỏ cũng không nên quá lo lắng và buồn bã. Chỉ cần em bé phát triển theo đúng chuẩn (Các bác sỹ sẽ cho bạn biết điều này qua mỗi lần khám) thì bạn không cần quá lo lắng. Mỗi cơ thể lại có những thay đổi khác nhau, kích thước lưng và hông khác nhau, nên chỉ nhìn bên ngoài bụng bầu thì không thể đánh giá được độ phát triển của thai nhi.

Tuần thai này bạn nên làm gì?

Bạn có khoảng 10 tuần còn lại trong thời kỳ mang thai. Giờ là lúc để bạn bắt đầu nghĩ về các chọn lựa giảm đau khác nhau khi sinh. Bạn không chỉ nên trao đổi với bác sĩ về các chọn lựa mà cũng nên tìm hiểu các kỹ thuật khác nhau để có thể đưa ra một quyết định tốt nhất.

Dưới đây là vài phương pháp để bạn lựa chọn:

• Sinh nở tự nhiên - bao gồm Kỹ thuật Alexander, Phương pháp Bradley, thôi miên, sinh con không dùng thuốc (Lamaze) và sinh trong nước.

• Gây tê cục bộ - gồm âm hộ, xương sống và màng cứng.

• Gây tê tổng quát - không được dùng thường xuyên trong sinh con vì mất hoàn toàn cảm giác và ý thức.

• Thuốc mê - thường được dùng khi đau đẻ cho phụ nữ tìm hình thức giảm đau nhẹ nhàng hơn. Mục đích của gây mê là giảm lo lắng và giúp phụ nữ đối phó với các cơn co thắt.

• Hít thở theo chỉ dẫn – là các dạng hít thở theo nhịp và độ sâu nhất định cho phép phụ nữ bình tĩnh và thư giãn.

• Các kỹ thuật thư giãn dành cho đau đẻ - được sử dụng bổ sung thêm cho các biện pháp trên để kết hợp chặt chẽ các giác quan.

Để thai kỳ thoải mái hơn

Trong giai đoạn này của thời kỳ mang thai, nhiều phụ nữ cho biết số lần đau lưng tăng lên. Điều này phần nhiều liên quan đến việc tăng cân và sự phát triển của bé. Nếu bạn cảm thấy đau lưng, bạn có thể xem xét tư thế của mình. Tư thế đúng có thể làm giảm bớt đau lưng. Cần cố gắng chút ít để thay đổi thói quen này, nhưng nỗ lực này sẽ có ích khi chứng đau lưng biến mất.

Dành cho ba của bé

Vợ bạn đã có thể cảm nhận cử động của bé trong một thời gian rồi. Đến tuần 30 bạn cũng có thể cảm thấy những cử động này. Hãy dành chút thời gian cho bạn và vợ ngồi cùng nhau, đặt tay bạn trên bụng cô ấy để cảm thấy bé cựa quậy. Chia sẻ những cử động này cùng nhau, sẽ không chỉ giúp bạn trong quá trình tạo mối liên hệ với bé mà còn giúp bạn dành thời gian đặc biệt với mẹ bé nữa.

(Tinsuckhoe.com Tổng hợp)

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay